Phạm Hương về Việt Nam trên một chuyến bay không hành khách vào tối 3/3. Đó cũng là chuyến cuối của hãng bay đưa cô cùng phi hành đoàn về Hà Nội, ít nhất đến hết tháng 3.
Là tiếp viên, Hương không phải đi cách ly khi qua kiểm dịch, nếu không ho sốt và đã khai y tế đầy đủ. Cô an tâm về nhà và chuẩn bị đồ cho chuyến đi chơi Buôn Mê Thuột cùng bạn ngày 5/3, đã đặt hết vé máy bay và trả tiền khách sạn, háo hức về một kỳ nghỉ đúng mùa hoa cà phê nở.
Chiều tối 4/3, Hương bắt đầu ho nhiều và đau tức ngực dù không sốt. Bình thường, cô tự tin vì có sức đề kháng cao, bởi không bao giờ ốm vặt dù lịch bay dày, song cô vẫn hoang mang có thể đã nhiễm nCoV khi một ngày gặp biết bao hành khách. Cô gọi ngay đường dây nóng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 tại Đông Anh, thì được khuyên chuẩn bị tinh thần đi cách ly ngay.
Vali đi du lịch Buôn Mê Thuột thành vali đi viện, Hương vừa xếp lại đồ, vừa lã chã nước mắt. Một phần bất ngờ vì phải huỷ chuyến đi chuẩn bị từ lâu với người bạn hiếm có thời gian rảnh, một phần cô đơn vì không có người thân bên cạnh trấn an trong cơn hoang mang. Cô khóc suốt một tiếng khi đợi xe của bệnh viện đến đón mới lấy lại bình tĩnh.
Phạm Hương (giữa) trong thời gian cách ly. Ảnh: NVCC. |
Vào viện, một mình tới khoa cấp cứu, Hương tự ký đại diện cho gia đình vì người thân định cư nước ngoài. Hoàn thành thủ tục khai báo, cô được đưa vào phòng áp lực âm vì thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao và được xét nghiệm ngay trong đêm.
Hàng ngày, cô được theo dõi thân nhiệt, bệnh viện cung cấp ba bữa ăn, cơm canh thay đổi liên tục. "Ở ngoài đôi lúc bận làm mình quên cả ăn, nay vào viện đến giờ có cơm ăn, thấy mừng", cô tiếp viên chia sẻ.
Những ngày trong viện cứ thế trôi qua, cho đến khi bệnh nhân số 17 cạnh phòng của Hương có kết quả dương tính nCoV. Cả đêm bệnh viện náo loạn vì những ca có nguy cơ cao cứ tăng dần, Hương phải chuyển phòng đến sáu lần trong bốn ngày vì kết quả xét nghiệm hai lần âm tính. Đến phòng nào cô cũng lau dọn hết cả tiếng và đóng, dỡ vali liên tục, có khi vừa ngồi chưa đầy hai tiếng lại phải chuyển đi, có hôm nhân viên bệnh viện gõ cửa lúc 3h30 sáng và báo chuyển phòng ngay sau vài phút.
Hương không kêu ca một lời, vì nghĩ đến những y bác sĩ trong viện đang phải đón thêm hàng chục người mới vào cách ly trong đêm. "Nhớ nhất Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog anh bác sĩ dẫn mình đi chuyển phòng bảo chúng tôi cũng muốn khóc. Mình biết có chị hộ lý ở lại viện không dám về nhà sau khi đón mấy chục ca vào đêm qua, sự hy sinh của các anh chị là quá lớn và cần được xã hội ghi nhận", cô bày tỏ.
Đón 8/3 trong viện, những tưởng sẽ yên vị trong căn phòng có nhiều cửa sổ cùng vài người bạn mới quen, Hương lại nhận thông báo chuyển viện ngay chiều hôm đó, vì không còn đủ giường cho người cách ly mới. Cô và bạn cùng phòng lại tất tả dọn đồ, song phải đợi nhiều giờ đến tối muộn mới có xe cấp cứu đưa sang Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Lúc này, tâm trạng ai nấy đều chán nản, đến nhận giường lại thấy một dãy phòng 20 người ở chung cả nam lẫn nữ, Hương bật khóc. Cô vốn quen sống trong không gian riêng, lại chưa từng đi quân sự, nghề tiếp viên cũng cho phép cô nghỉ trong những khách sạn 4-5 sao theo chế độ của hãng bay - một người một phòng. Do vậy những hạn chế về cơ sở vật chất của khu cách ly dường như quá sức chịu đựng của Hương vào thời điểm ấy.
Nhưng nhìn vào mọi người xung quanh - từ viên chức nhà nước cho đến du học sinh gia đình khá giả, đều chung điều kiện sống, Hương tự nhủ phải tạo cho mình những niềm vui để vượt qua khó khăn này. Cô tiếp viên xốc lại tinh thần, bắt đầu đi cọ nhà vệ sinh, dọn dẹp, lau sàn để giữ phòng ốc sạch sẽ nhất có thể. Sau vài ngày sắp xếp, bệnh viện đã bố trí phòng nam nữ riêng biệt, tạo điều kiện thoải mái nhất có thể cho người cách ly.
Phạm Hương tự tìm cho mình niềm vui trong thời gian cách ly với thú cắm hoa, đọc sách, múa hát... Cô vẫn duy trì công việc kinh doanh riêng. Ảnh: NVCC. |
"Một ngày trong viện không dài như bạn nghĩ nếu biết cách lấp đầy nó với những thứ có ích, hay những việc mà ở ngoài bạn không đủ tĩnh tâm để làm", cô cũng coi thời gian đi cách ly như một khóa thiền.
Từ ngày đi tập trung, cô sinh hoạt vô cùng điều độ: đọc sách, tập thể dục quanh phòng, còn biết thêm môn đá cầu - cả khu chơi chung một quả cầu do ai đó tới thăm người thân đem cho. Từng là thành viên của một vũ đoàn, cô lại tập hợp các chị em để tập múa hát mỗi chiều, lập "tổ văn công" mà khán giả chính là những người đang cách ly, bảo vệ, y bác sĩ... Hương hy vọng màn biểu diễn văn nghệ tại khu cách ly sẽ truyền đi thông điệp về niềm tin yêu cuộc sống, khơi dậy tinh thần lạc quan của mọi người giữa không khí căng thẳng vì dịch bệnh.
"Sau đợt này mình càng thấm thía, khả năng thích nghi của con người là vô hạn, có những điều trước đây nghĩ mình không làm nổi nhưng hoàn cảnh bắt buộc thì cũng đâu vào đó hết", Hương tâm sự.
Bản thân là người di chuyển rất nhiều và đã quen với những chuyến đi, cả chục năm nay cô chưa từng ở yên một chỗ quá một tuần. Trong thời gian cách ly, cô phải ở yên trong viện và không bao giờ bước quá khoảng sân được quây lại bằng những dải đỏ - đó thực sự là cực hình. Cô lại tự nhủ có khi đi ra ngoài còn nguy hiểm hơn, cách ly là khoảng thời gian để tranh thủ nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, có lẽ điều đáng sợ nhất với Hương là thái độ xa lánh của những người xung quanh. Bởi rất nhiều người đi cách ly cùng cô không dám thông báo cho họ hàng ở quê nhà hay đồng nghiệp, lo ngại bị kỳ thị là người mang bệnh.
Ngay cả hàng xóm cũng có những lời lẽ không hay khi biết tin cô đi cách ly - dù là tự nguyện. "Tại sao mọi người không thấy những người như mình đã có ý thức tự đi cách ly để không ảnh hưởng đến ai, nếu có khả năng lây nhiễm? Nếu xã hội còn định kiến như vậy, quả là thiệt thòi cho những cá nhân tự nguyện đi cách ly", cô nói.
Hương cho rằng điều quan trọng nhất cần chuẩn bị cho quá trình cách ly tập trung là tinh thần phải vững, vì 14 ngày sẽ dài hơn 14 ngày ở ngoài rất nhiều. Cô không bao giờ khẳng định đi cách ly là trải nghiệm vui thích, mà đó là việc cần làm.
"Giường bệnh viện sẽ không êm như giường của bạn, tắm giặt cũng không sạch sẽ như nhà của bạn, cơm có thể không theo khẩu vị của bạn. Bạn không thể muốn chạy đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, bởi bạn đang ở khu vực cách ly đặc biệt để tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng", cô nhận định.
Chiều 17/3, cầm giấy xuất viện, cô tiếp viên phải đeo khẩu trang và găng tay kín, đi thật xa khỏi cổng bệnh viện để tìm taxi vì sợ không ai chịu chở. Về nhà, cô lại chuẩn bị một vali khác để sẵn sàng lên đường đi cách ly bất cứ lúc nào, bởi không thể biết khi nào cô có thể tiếp xúc với ai đó nhiễm virus ngoài đường.
Phạm Hương là tiếp viên của một hãng hàng không quốc tế từ năm 2015. Hiện chưa rõ lịch trình bay cụ thể do diễn biến khó lường của Covid-19, cô sẽ tạm thời ở nhà để giữ sức khoẻ sau thời gian cách ly. Ảnh: NVCC. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét